Phạm Hải Anh là học sinh của Trường United World College (UWC),
một hệ thống trường THPT khá đặc biệt để góp phần đào tạo ra những công
dân ưu tú trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp UWC, Phạm Hải Anh đã trúng
tuyển vào Đại học Brown và được cấp học bổng toàn phần.
Phạm Hải Anh tại Taj Mahal (Ấn Độ). Ảnh: do nhân vật cung cấp.
Thành công từ tư duy đa chiều
Chúng tôi gặp Hải
Anh khi cô tốt nghiệp THPT về nước nghỉ hè. Hải Anh cho biết, khi lên
cấp III cô từng thi vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc ĐH Ngoại
ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và được tuyển vào lớp A (lớp chuyên Anh, quy tụ
những người có điểm đầu vào cao nhất trường-PV).
Thời gian học tại
trường, Hải Anh biết chuyện một học sinh khóa trên đã đỗ vào trường UWC
tại Canada. UWC là một hệ thống liên kết gồm 12 trường THPT đặt ở một số
nước trên thế giới (như Anh, Mỹ, Ấn Độ, Na Uy, Costa Rica...). Mỗi
trường quy tụ khoảng 200 học sinh ưu tú, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các
quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Năm lớp 11, Hải Anh đã
làm hồ sơ nộp cho Ủy ban UWC tại Việt Nam. Với thành tích học tập và
hoạt động ngoại khóa xuất sắc, Hải Anh đã vượt qua nhiều thí sinh (sau
khi trải qua vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn) để cùng 5 bạn khác được chọn
học tại các trường UWC trên toàn thế giới. “Em được cấp học bổng để học
tại UWC Ấn Độ (Mahindra United World College of India), một nơi mà đến
giờ có thể nói rằng được học tại đó là một may mắn đối với em”- Hải Anh
chia sẻ.
Ở Ấn Độ, Hải Anh học theo chương trình Tú tài Quốc tế, một
chương trình phổ thông kéo dài 2 năm được đánh giá là rất khó trên thế
giới. Hải Anh chọn 6 môn để học, trong đó có những môn quen thuộc như
Sinh học, Toán học và những môn mới như Tâm lý học hay tiếng Pháp.
Học
kỳ đầu, Hải Anh gặp không ít khó khăn trong học tập, nhất là việc phát
biểu trong lớp, một điểm yếu của nhiều học sinh Việt Nam. Mà khó hơn cả
là môn Tâm lý khi cần phải tranh luận nhiều trong lớp, đồng thời đòi hỏi
một tư duy nhanh nhạy và sâu sắc. Bài kiểm tra đầu tiên môn này, Hải
Anh chỉ được 3,5/7 điểm (tại đây tính thang điểm 7).
Sau những bỡ ngỡ
ban đầu, Hải Anh đã tập dần cho mình khả năng tư duy đa chiều, qua đó
có thể tham gia tranh luận cùng các bạn trong lớp. Rồi nữ sinh này thấy
thích môn Tâm lý, nhất là khi nhận rõ được ích lợi khi áp dụng tư duy đa
chiều của môn học này vào các môn khác. Bài kiểm tra cuối năm thứ nhất,
Hải Anh đạt số điểm tuyệt đối môn Tâm lý (7/7), đồng thời giành điểm
tuyệt đối hầu hết những môn học còn lại.
Muốn thử thách để được hoàn thiện hơn
Trong
năm học thứ 2 tại UWC Ấn Độ, Hải Anh gửi hồ sơ vào Đại học Brown, một
trong những trường danh giá của Mỹ. Sở dĩ Hải Anh chọn Đại học Brown,
ngoài việc trường có chương trình đào tạo chất lượng (được xếp thứ 15
trong bảng xếp hạng của US News), mà còn bởi môi trường ở đây có cộng
đồng học sinh đa dạng về nhiều mặt.Trong môi trường ấy, Hải Anh muốn
được thể hiện cái tôi, muốn thế giới quan của bản thân được thử thách và
được hoàn thiện hơn nữa. Khoảng thời gian hoàn thành hồ sơ vào Đại học
Brown khá căng thẳng đối với Hải Anh, vì cô phải viết nhiều bài luận lớn
nhỏ, dự thi các kỳ thi tiêu chuẩn.Tháng 12/2012 vừa qua, Đại học Brown
đã thông báo Hải Anh là một trong những học sinh đầu tiên trúng tuyển,
đồng thời còn cấp cho nữ sinh này học bổng toàn phần trị giá hơn 60.000
USD/năm.
Đáng lưu ý trong đợt
tuyển sinh năm nay, Đại học Brown có tỉ lệ trúng tuyển thấp thứ 2 trong
lịch sử của trường (9,2%), nên việc đỗ vào trường của cô nữ sinh Việt
Nam này càng thêm phần ý nghĩa.
“Việc được nhận vào Đại học Brown
không chỉ bởi thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của em ở UWC Ấn
Độ, mà đó là cả một quá trình rèn luyện và hoàn thiện bản thân từ những
năm học ở Việt Nam. Em thích cả tự nhiên lẫn xã hội, nên muốn theo học
cả 2 ngành Sinh học và Sư phạm tại Đại học Brown”- Hải Anh cho biết.
Khi
được hỏi về kinh nghiệm học tập của bản thân, Hải Anh cho biết: Trước
hết cần có hứng thú đối với môn học. Suy nghĩ: “Môn này chán quá” còn
nguy hiểm hơn “Môn này khó quá” rất nhiều. Có nhiều cách để khơi gợi
hứng thú, như hỏi giáo viên về những kiến thức không có trong sách giáo
khoa, áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hay học theo nhóm.
Kinh nghiệm tiếp theo là cần biết lắng nghe. Hãy lắng nghe những lời
nhận xét của các thầy cô khi trả một bài kiểm tra hay bài tập để rút
kinh nghiệm cho những lần tiếp theo.
Nguồn : Tiền Phong
Read More