Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Đi Mỹ định cư – Chương 3 Có thật sự đổi đời?


Chắc khỏi nói thì ai cũng biết là ở Mỹ hay ở nước nào thì tay cũng phải làm, hàm mới có cái mà nhai. Không những vậy, ở Mỹ này, còn phải tâm niệm “nghề gì cũng làm được” thì mới mong tồn tại được. Ai đó ở VN đã quen làm việc nhàn hạ, sướng thân (mà vẫn rủng rỉnh tiền xài), hoặc thậm chí ngồi mát ăn bát vàng … mà qua đây giữ nguyên suy nghĩ cũ, chê ỏng chê eo “việc này cực thân”, “việc kia thấp kém”, “việc nọ lương bèo” … thì chắc là sẽ thấy đời khổ sở biết bao nhiêu, hoặc thậm chí bỏ về cho sớm…Nhưng mà, chọn được việc làm vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình mà vừa phù hợp với sức mình thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Người ta cũng cần phải tham khảo nhiều, biết sức mình (cả sức khỏe, lẫn sức … tiền và khả năng nữa) thì mới chọn được đúng đường đi. Mà nghề nghiệp ở cái xứ Mỹ này thì đúng là … vô số. “Trình độ chuyên môn” cỡ nào cũng có công việc phù hợp hết. Phạm vi bài này sẽ không bàn sâu tới chi tiết của từng ngành nghề, chỉ cố gắng hệ thống lại một số trong cả rừng nghề nghiệp đó thành từng nhóm như vầy: 

** Không cần biết tiếng Mỹ, không cần bằng cấp
- Không cần giấy phép: 
+ Làm cho nhà hàng/quán ăn VN: phục vụ bàn hoặc phụ bếp
+ Làm trong chợ VN: đứng quầy tính tiền hoặc phụ sắp xếp hàng lên kệ
+ Làm trong tiệm giặt ủi: bấm thẻ cho quần áo dơ, đứng máy giặt, máy ủi, hoặc móc đồ lên giá. Muốn đứng trên quầy thì phải biết tiếng Mỹ khá tốt. Còn làm trong xưởng giặt, ủi hoặc móc đồ lên giá thì phải có sức khỏe để đứng suốt ngày trong cái nóng hầm hập của xưởng..
+ Sửa quần áo: sửa thuê cho tiệm giặt hoặc mở tiệm riêng. Người Mỹ toàn mua đồ may sẵn về bận nên đâu có vừa khít. Hầu như ai cũng phải đem đi lên lai, bóp ống. Thậm chí áo đứt cái nút cũng xách ra tiệm … Nghề này cũng hốt bạc lắm
+ Cắt cỏ: nhận cắt thuê cho những gia đình neo người
+ Sửa chữa, xây dựng nhỏ: lót gạch, đổ sân xi măng, sửa ống nước vv…
+ Làm thợ lắp ráp cho hãng, xưởng của Mỹ
- Phải thi lấy bằng hành nghề (license): 
+ Giữ trẻ: Học rồi thi lấy cái license, có thể giữ tại nhà mình hoặc tới ở luôn tại nhà người ta (những gd khá giả có thể thuê nanny bao lương)
+ Làm nail, làm tóc: Học đủ số giờ quy định của từng tiểu bang rồi thi lấy license, ra làm cho tiệm người ta. Từ từ tích lũy, chừng nào đủ vốn thì tự mở tiệm riêng 
+ Massage: Cũng phải học lấy license. Thường là làm cho spa.

/*/ Thuận lợi:
- Không cần biết rành tiếng Mỹ, vẫn có thể có việc làm
- Không cần có sẵn kinh nghiệm
- Thời gian đào tạo ngắn (với nghề cần license), nên có thể mau đi làm, mau có tiền ổn định cuộc sống
- Thời gian khá linh hoạt, không nhất thiết phải đi làm từ 7-8 giờ sáng mỗi ngày, thậm chí với một số công việc, người ta còn có thể chủ động chọn giờ làm tùy thích
- Những công việc có tiền tip thì thu nhập thực tế cao hơn (nhiều) so với thu nhập trên giấy tờ
- Thường là được lãnh ½ lương bằng tiền mặt, dễ … giấu bớt thu nhập khi khai thuế
- Riêng việc làm cho hãng xưởng Mỹ thì có thể có đầy đủ lợi tức
/*/ Bất lợi:
- Những công việc này thường chỉ có ở nơi có đông người Việt (Cali, Texas vv…)
- Công việc ở nhà hàng, chợ, tiệm giặt ủi, cắt cỏ vv… đều là những việc rất nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe tốt. Mà phải chịu cực lắm lắm nữa.
- Tuy là thời gian linh hoạt, nhưng thực ra, lại mất nhiều thời gian hơn cả, vì thường phải làm trễ, làm cả cuối tuần (nail, tóc, quán ăn, tiệm giặt). Phụ nữ có con nhỏ mà làm những nghề này thì con bị thiệt thòi vì mẹ toàn phải làm về trễ, làm cuối tuần. Tối ngày con cứ phải quanh quẩn với người giữ trẻ vv…
- Chủ yếu là làm cho doanh nghiệp nhỏ nên hoàn toàn không có lợi tức gì khác ngoài lương: không bảo hiểm, không quỹ hưu, không ngày phép vv…
- Công việc không ổn định lắm, rất dễ bị thay đổi (tiệm đóng cửa, đổi chủ vv…)
- Nghề giữ trẻ bị ràng buộc rất gắt gao về luật bảo vệ trẻ em. Sơ suất nhỏ xíu cũng có thể bị treo bằng, phạt vạ, hoặc thậm chí tù đày
- Nghề nail & tóc cực kỳ nguy hại cho sức khỏe vì tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với hóa chất độc hại. Tư thế đứng hoài, ngồi lâu cũng gây bệnh đau lưng về sau.

• Cần bằng hành nghề, cần tiếng Mỹ kha khá

- Phụ tá cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ: Có thể làm trong bệnh viện hoặc phòng mạch, nhà thuốc. 
- Medical biller, medical coder (nghề này không có ở VN nên không dịch ra tiếng Việt): Giúp cho bv hoặc các phòng mạch code bệnh của bệnh nhân rồi làm thủ tục yêu cầu bảo hiểm thanh toán cho dịch vụ mà bv hoặc phòng mạch đã thực hiện cho bệnh nhân có bảo hiểm
- Bán bảo hiểm
- Môi giới địa ốc
- Bán vé máy bay 

/*/ Thuận lợi:
- Nói chung thì thu nhập của những việc này là khá tốt
- Nếu làm việc trong bv, trong công ty lớn thì cũng có bảo hiểm, có quỹ hưu trí vv…
/*/ Bất lợi:
- Bắt buộc phải biết tiếng Mỹ đủ để nghe, hiểu và nói chuyện trực tiếp với người Mỹ
- Làm trong bệnh viện thì phải làm ca kíp, cuối tuần thì tuần nghỉ tuần làm, ngày lễ nghỉ cũng bị hạn chế.
- Làm cho phòng mạch thì được rảnh rỗi nhiều, nhưng lợi tức không đầy đủ
- Bán bảo hiểm, địa ốc, vé máy bay vv… thì bấp bênh vì tùy thuộc nhiều ở tình hình kinh tế

• Đòi hỏi bằng cao đẳng, đại học
Hình như đã cầm cái bằng cao đẳng với đại học trong tay thì chắc phải rành tiếng Mỹ (hơn 2 nhóm trên), và cơ hội chọn nghề nghiệp mình yêu thích cũng có nhiều hơn. Xin miễn liệt kê những ngành nghề nằm trong nhóm này. 
/*/ Thuận lợi:
- Thu nhập trên trung bình, hoặc cao, và khá ổn định
- Lợi tức đầy đủ: bảo hiểm, quỹ hưu trí, ngày nghỉ hưởng lương, ngày phép vv… (dĩ nhiên, cũng tùy hãng, tùy công việc mà lợi tức này cao hay thấp)
- Giờ giấc thông thường là cố định (8:00am ~ 5:00pm), nghỉ cuối tuần, nghỉ ngày lễ của Liên bang. Có nhiều nghề còn được “work from home” vài ngày trong tuần
- Người có quốc tịch nếu xin được việc làm cho chính phủ liên bang thì gần như ổn định cả đời
- Có thể được hỗ trợ học phí nếu xin học nâng cao
/*/ Bất lợi và Khó khăn:
- Vốn tiếng Anh phải đủ để nghe được lecture, đọc được textbook (chứ không phải nghe nói chuyện hàng ngày, hoặc đọc tiếng Anh phổ thông) thì mới học được cao đẳng, đại học
- Mất khá nhiều thời gian & công sức mới lấy được bằng
- Cũng có nhiều công việc bấp bênh vì tùy thuộc vào tình hình kinh tế

Vì chỉ dựa trên hiểu biết riêng và chủ quan của người viết nên bài này chắc chắn còn thiếu rất nhiều nghề nghiệp “khả thi” dành cho người Việt di dân qua Mỹ thời nay. Bạn nào có đóng góp, bổ sung gì thêm thì xin hoan nghênh 2 tay 2 chân nghen.




Subscribe to Our Blog Updates!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét