Căng thẳng Trung Đông chi phối giá dầu
(VnEconomy) - Phiên giao dịch hàng hóa quốc tế cuối tuần (14/6), giá dầu thô thế giới loại hợp đồng kỳ hạn tăng mạnh, do nhà đầu tư lo lắng trước diễn biến căng thẳng đang ngày một leo thang ở khu vực giàu dầu mỏ - Trung Đông. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn hàng hóa New York đã tăng tương ứng với mức 1,2%, lên 97,85 USD mỗi thùng. Mức giá cao nhất trong ngày của dầu thô kỳ hạn loại này, theo FactSet, là 98,25 USD, cao nhất trong vòng 9 tháng vừa qua. Theo giới phân tích thị trường, nguyên nhân chính khiến giá dầu thô đi lên trong phiên cuối tuần, là do tình hình cuộc chiến tại Syria, khi Mỹ đang cân nhắc áp đặt một vùng cấm bay ở Syria, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định vũ trang cho lực lượng nổi dậy. Quyết định vũ trang cho quân nổi dậy Syria được đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo đã có bằng chứng kết luận lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học chống lại quân đối lập. Ông Obama nhiều lần từng nói, nếu chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học thì sẽ bị coi là vượt "lằn ranh đỏ". Theo các chuyên gia phân tích, Trung Đông là khu vực nhiều dầu lửa. Nếu khu vực này xảy ra xung đột, với sự can dự của lực lượng bên ngoài, khả năng thị trường năng lượng sẽ chịu nhiều o ép.
Phố Wall tuần tới: Mong ngóng FED
(VnEconomy) - Theo các chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán Mỹ tuần tới sẽ "xoay quanh" cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cùng bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch FED Ben Bernanke. Phiên cuối tuần (14/6), thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh, khối lượng giao dịch ở mức thấp. Với liên tiếp vài phiên giảm điểm sâu, các chỉ số chính của Phố Wall đã khép tuần giảm điểm thứ 3 trong vòng 4 tuần qua. Vấn đề chính chi phối tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường vẫn là khả năng các ngân hàng trung ương thế giới sẽ sớm cắt giảm các chương trình kích thích tăng trưởng. Kể từ khi Chủ tịch FED Ben Bernanke tuyên bố có thể xem xét cắt giảm hoặc rút bỏ các biện pháp hỗ trợ kinh tế, bao gồm chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng, thị trường chứng khoán Mỹ đã biến động dữ dội. Về cơ bản, những biện pháp này đã hỗ trợ rất lớn cho sự hồi phục của thị trường trong thời gian qua, do đó việc rút bỏ chúng theo logic sẽ khiến các chỉ số chịu sự tác động nặng nề. Tuần tới, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng chung này. Kinh tế Mỹ ngày càng có nhiều dấu hiệu hồi phục rõ ràng, một điều kiện quan trọng để giới hoạch định chính sách thuộc FED đưa ra quyết định ngừng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong "một vài cuộc họp tới" như cách nói của ông Bernanke mới đây. Do vậy, cuộc họp trong tuần tới của FED sẽ là mối quan tâm chính của giới đầu tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét